Cho bé bú đúng cách

may-hut-sua-meCho bé bú là một việc làm bản năng của mẹ và bé bú cũng là một phản xạ bản năng. Tuy nhiên điều này cũng cần phải học chứ không hoàn toàn đơn giản như mẹ nghĩ.
Một điều khá quan trọng là các bà mẹ hãy giữ tâm trạng thoải mái,đừng vội nản lòng khi bạn chưa thể cho con bú đúng cách. Bạn hãy nhớ, mỗi em bé đều khác nhau, nên cách thích hợp với bé này chưa chắc có thể áp dụng với bé khác. Một điều nữa, bạn cũng đừng nên đánh giá thấp khả năng của các em bé nhé. Đôi khi chính bé là người có thể giúp quá trình bú mẹ trở nên thuận lợi hơn. Cho trẻ bú mẹ là một loại bản năng xuất phát từ cả mẹ và bé, vì vậy, hãy “hợp tác” tốt với bé yêu của mình, hướng dẫn con để con có thể tìm đầu ti và bắt đầu bú mẹ.

Những điểm cần ghi nhớ khi cho bé bú mẹ

– Sau khi bé chào đời, hãy cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích các bà mẹ nên cho bé bú trong một giờ đồng hồ sau khi sinh. Mẹ cho bé bú càng muộn hơn bao nhiêu thì lượng sữa mẹ sẽ bị giảm đi bấy nhiêu, nên nhớ rằng việc cho bé bú sớm giúp kích thích sữa về nhanh và nhiều hơn.
– Đừng cho bé ngậm ti giả cho đến khi bé hoàn toàn quen với việc bú mẹ. Việc này có thể kéo dài từ 4 đến 6 tuần sau khi bé chào đời.
– Đừng cho bé uống nước hay sữa ngoài mà hãy cho bé bú mẹ hoàn toàn. Vì bé bú mẹ càng thường xuyên thì bạn sẽ càng có nhiều sữa hơn. Trẻ bú sữa ngoài sẽ làm hại dạ dày của bé, bé no lâu hơn vì vậy sẽ từ bỏ sữa mẹ.
– Hãy luôn ở bên cạnh con có thể cho bé bú thường xuyên.
– Thông thường bạn sẽ mất vài ngày để đợi “sữa về”. Nhưng đừng lo vì hãy cứ cho con bú mẹ vì ngực bạn sẽ sản sinh ra một lượng sữa non, rất tốt cho trẻ sơ sinh. Sữa non giàu năng lượng, dễ tiêu hóa và chứa nhiều chất đề kháng.

Cách cho con bú đúng cách

– Ôm em bé để con đối mặt với bạn, ngực bé áp sát ngực mẹ, cằm bé chạm tới đầu ti.
– Bạn đừng nên quá kiểm soát khi nào thì cần cho bé bú mà hãy tin vào bản năng của bé, con sẽ đưa ra những dấu hiệu khi đói và cần bú mẹ.
– Cởi bớt quần áo của bé khi cho con bú, tiếp xúc da giữa mẹ và bé có thể làm quá trình thuận lợi hơn.
– Bạn có thể để con dùng bản năng tự tìm đến đầu ti, hay ôm mẹ đòi bú. Kỹ năng này đòi hỏi cả mẹ và bé đều phải ở trong tư thế thoải mái, bạn chỉ cần đỡ con trong khi bé bú.
– Bạn có thể giúp con thoải mái hơn bằng cách nói chuyện, khuyến khích bé mở miệng rồi sau đó đưa đầu ti vào miệng con để bé bú. Hãy chú ý đừng để lưỡi bé cuốn vào trong mà phải nằm trên hàm dưới. Lúc này, đầu ti của bạn sẽ nằm trên lưỡi của bé, từ đó con có thể bú sữa thoải mái hơn.
– Cằm con là nơi tiếp xúc đầu tiên với ngực của mẹ, chứ không phải là mặt.
– Khi bạn ôm con vào lòng, hãy hướng đầu ti đến miệng của bé chứ đừng đẩy vào lưỡi con. Con có thể tự điều chỉnh để có thể bú mẹ một cách tốt nhất.
– Hãy khuyến khích con đừng chỉ ngậm mỗi đầu ti mà hãy ngậm cả núm vú, cách này sẽ giúp con bú mẹ được nhiều hơn. 65% tuyến tạo sữa nằm tại quầng thâm, nên hãy cho con ngậm trọn vẹn cả quầng thâm sẽ giúp bé bú được nhiều sữa, mẹ đỡ đau hơn.
– Tư thế cho bé bú đảm bảo nguyên tắc: vai – tai – hông thẳng hàng, như vậy bé sẽ có điều kiện thu nạp sữa mẹ tốt và hiệu quả hơn.

Bạn cho bé bú mẹ thành công là khi:
– Bé bú đều và thoải mái.
– Môi của bé không bị mút vào mà đặt trên quầng vú mẹ.
– Bạn không cảm thấy đau đớn. Trong những ngày đầu bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu, nhưng không phải là quá đau.
– Phần hàm của bé di chuyển đều đặn, con cảm thấy thoải mái và dễ chịu.
– Có vài bé sẽ chóp chép miệng khi không được bú thoải mái, nhưng không phải bé nào cũng thế.
– Má của bé không bị mút vào.
Nếu bạn cần thêm thông tin về vấn đề cho trẻ bú mẹ, hãy liên lạc các bệnh viện, phòng khám hoặc trung tâm y tế gần nơi mình sống để được tư vấn thêm nhé.
Chúc các mẹ cho bé bú thành công!