Chia sẽ cách kích thích để sữa mẹ về ướt áo

Chuyên gia – Th.s Lê Nhất Phương Hồng tức chuyên gia mà các bà mẹ gọi một cách thân thương là “Mẹ Betibuti” đã tận tình giải đáp, tư vấn các câu hỏi của các Mẹ quan tâm.

Chị Phương Hồng là sáng lập viên của Chuyên trang Betibuti , sáng lập viên và admin của Hội Sữa Mẹ (Bé Tí Bú Ti) . Giữa tháng 7 vừa qua, chị Phương Hồng đã hoàn thành trọn Chuỗi 10 Chứng chỉ Tư Vấn Sữa Mẹ Chuyên nghiệp + 4 Chứng chỉ Hỗ trợ của Viện Sữa Mẹ Thế Giới (International Institute of Human Lactation Inc.). Trước đó, tháng 11.2013, chị cũng đã đạt được chứng chỉ của Liên minh Thế giới Hành động vì Nuôi Con Sữa Mẹ (World Alliance for Breastfeeding Action). Chị là người đầu tiên của VN có được trong tay cả hai chứng chỉ của hai tổ chức uy tín thế giới về sữa mẹ nói trên.

Th.s Lê Nhất Phương Hồng hay 'Chuyên gia Betibuti"

Th.s Lê Nhất Phương Hồng hay ‘Chuyên gia Betibuti”

– Em tìm link youtube cách massage kích thích tạo và tiết sữa theo phương pháp của chị như link hiện đang không xem được. Chị có thể mô tả cho em phương pháp này thực hiện như thế nào, cảm ơn chị. (Panda Nguyen Nguyen Tien)

Chuyên gia Betibuti: Để bắt đầu massage, bạn phải nắm được đầu dây thần kinh kích thích tiết sữa mẹ. Chúng nằm ở quầng vú, gốc 5 giờ ở vú trái và 7 giờ ở vú phải, cách chân ti 1cm – 1.5cm. Và 2-3 phút massage gồm ba bước đơn giản, như mô tả trong hình dưới đây. Phương pháp này sẽ giúp sữa mẹ về nhanh hơn, đều hơn và nhiều hơn.

Mô tả cách massage kích thích tiết sữa
Mô tả cách massage kích thích tiết sữa

Áp dụng:

Bất cứ bà mẹ nào, từ ngay sau khi sinh đến suốt thời gian nuôi con sữa mẹ, nuôi bú mẹ trực tiếp hoàn toàn, hoặc bú mẹ trực tiếp phối hợp hút sữa mẹ, đều có thể áp dụng phương pháp massage này.

Ngoài ra, trong 6 tuần đầu, sữa mẹ được tiết theo cơ chế hormone nên một khi kích thích 1 bên vú, thì cả 2 bên đều tiết sữa (không phải do sữa loãng, hay tia sữa rỗng như quan niệm dân gian). “Tranh thủ cơ chế này, mẹ có thể giúp con kích sữa khi con đang bú, bằng cách đồng thời áp dụng phương pháp này để massage vú bên kia!

* Chú ý:

– Không được sử dụng bất kỳ loại dầu massage nào (nếu có sữa mẹ rồi, thì có thể dùng vài giọt sữa mẹ như dầu massage), vì bé rất nhạy cảm với mùi lạ và rất được “cám dỗ” bởi mùi tự nhiên tiết ra bởi quầng vú mẹ.
– Động tác massage phải nhẹ nhàng, không lạm dụng massage bằng động tác mạnh, không ấn sâu.
– Không massage đầu ti. Sau cữ bú/hút, mẹ xoa đều vài giọt sữa mẹ ở đầu ti và quầng vú, vừa bảo vệ, vừa dưỡng mềm.

– Chào chị Betibuti, em nghe các chị nói nhiều về kỹ thuật kích sữa, cho em hỏi kỹ thuật ấy là như thế nào, em nên làm thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Em chỉ còn độ 1 tuần nữa là sinh, rất mong chị giải đáp để lúc sinh không bỡ ngỡ. E cũng định mua sẵn 1 máy hút sữa nhưng thấy khá đắt, và cũng không hình dung trước được là liệu mình có cần dùng đến không, em thấy nhiều chị mua sẵn về rồi bỏ không. Mong chị cho lời khuyên. Cảm ơn chị (Tra My)

Chuyên gia Betibuti: Để kích sữa thành công, trước khi học kỹ thuật hút sữa các mẹ cần hiểu cơ chế mà cơ thể người mẹ sẽ tạo sữa.  Do thời gian giao lưu có hạn, chị không thể giải thích chi tiết ở đây được, em và các mẹ đọc bài “Hai cơ chế sản xuất sữa mẹ” trên facebook Betibuti để hiểu được rằng, căn bản nhất của việc kích sữa là phải có hormone prolactin tạo sữa và hormone oxytocin tiết sữa.  Sau đó, mới tính đến công dụng của máy hút sữa. Nếu cơ thể người mẹ không dồi dào hai hormone này và mẹ không hiểu các cách để tăng 2 hormone này mà chỉ cặm cụi hút cũng ít hiệu quả.

Các mẹ cần biết các phương pháp để tăng hormone đầu tiên hết là da-tiếp-da mẹ và con, hai là con bú mẹ trực tiếp theo nhu cầu, 3 là massage 3 phút (đúng vị trí dây thần kinh tiết sữa, mô tả động tác bú của bé), 4 là vắt tay, 5 là vắt máy.  Máy chỉ tiết kiệm thời gian hơn, chứ không hiệu quả hơn vắt tay.

Các điểm vừa nêu trên đây đều được mô tả rất chi tiết lợi ích, cơ sở khoa học và phương pháp thực hành trong các bài viết betibuti, các mẹ đọc bài để hiểu rõ và áp dụng đúng phương pháp, và chỉ mua máy hút sữa khi thật sự cần thiết.

Và luôn luôn cần nhớ tinh thần thoải mái tự tin của người mẹ là quan trọng nhất trong việc kích sữa.

– Mẹ chồng em nói dùng máy hút sữa sẽ gây ra mất sữa, vì máy hút dù cố gắng mô phỏng thế nào cũng không thể như em bé bú mẹ được, điều này có đúng không? Em nên giải thích thế nào cho mẹ chồng em hiểu? Giờ đây em hút sữa cứ phải lén lút vào toalet hút ấy ạ! L(Bach) 

Trong tài liệu betibuti mà tôi đã post lên facebook cá nhân, cũng như trong các trả lời đây đó cho các mẹ, chị mô tả rất nhiều về khớp ngậm đúng của bé bú mẹ trực tiếp, máy hút sữa tốt nhất hiện nay có chế độ massage đang cố gắng mô phỏng khớp ngậm bú đó, nhưng chưa đạt. Thậm chí có một số bà mẹ có làn da nhạy cảm, sẽ bị ức chế hormone khi úp phểu nhựa của máy hút sữa lên ngực.

Trong tài liệu chị cũng đã trả lời việc phải kết hợp các phương pháp làm tăng hormone để đảm bảo hiệu quả của việc hút sữa mẹ bằng máy hút sữa.

Hội Sữa Mẹ có rất nhiều bà mẹ đã cho con bú hút sữa hoàn toàn trong nhiều năm. (do một số điều kiện chủ quan và khách quan)

Các mẹ xem lại bài và để có đầy đủ cơ sở khoa học để giải thích cho người khác.

– Bé nhà em được 3 tháng, trừ một hai tuần đầu ngay sau khi sinh còn thì em rất khó khăn để cho bé bú ngực bên trái, luôn cảm thấy không thuận tay, thấy miệng bé rất khó để khớp vào ngực, và không rõ vì như thế hay vì sao mà bé nhà em cũng chán bú bên ngực trái luôn. Bây giờ bên phải thỉnh thoảng căng tức sữa nhưng bên trái thì mềm và có vẻ teo dần. Em muốn hỏi: 1/ Em nên cải thiện như thế nào với tình trạng bú lệch một bên như vừa kể? 2/ Sau khi ngừng cho con bú, liệu có phải bên bé  bú nhiều (bên phải) sẽ bị nhỏ hơn so với bên trái (là bên bé bú ít, mặc dù bên này hiện giờ có vẻ bé hơn bên kia)? (Lien.ha)

Chuyên gia Betibuti: Câu hỏi của em chị cũng đã có giải thích trong bài Chăm sóc bầu vú mẹ Phần 2 và phần 4và bài Phần thưởng dành cho bà mẹ cho con bú phần 2, của tài liệu betibuti.  Trong đó giải thích, hầu hết các trường hợp, bầu vú mẹ sau khi cai sữa sẽ trở về “gần với” trước khi mang thai, có nghĩa là các hiện tượng lệch (như cho con bú một bên) sẽ được điều chỉnh, nếu MẸ CAI SỮA ĐÚNG CÁCH.

Cai sữa như thế nào và chăm sóc bầu vú mẹ như thế nào là đúng cách, khi nào có thời gian em vào đọc bài viết này của chị nhé: CAI SỮA ĐÚNG CÁCH. Tuy nhiên, những nguyên tắc quan trọng nhất sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ bầu ngực mẹ sau khi cai sữa là:

Không nên cai sữa đột ngột. Quá trình tuyến vú phát triển hoàn chỉnh mất khoảng 16-20 tuần (từ khi sữa non được sản xuất trong vú mẹ) thì quá trình ngừng tiết sữa cũng nên dài tương xứng, tức 3-4 tháng. Cai sữa đột ngột thì cơ thể con và cơ thể mẹ đều không thích ứng được.

Nếu quá trình cai sữa dần dần, giúp hormone thay đổi ít đột ngột, bầu vú mẹ có đủ thời gian “thu gọn” trở về gần với kích thước trước khi có bầu (đối với các mẹ 2 bầu vú bị mất cân đối trong thời gian tạo sữa, 2 bầu vú sẽ trở lại kích thước cân đối trước khi mang thai) và giúp giảm hiện tượng trầm cảm ở mẹ.

Em cũng nhớ là luôn mặc áo ngực không gọng và bản rộng trong suốt quá trình cho con bú và cai sữa nhé.

Chúc mẹ tìm hiểu được rõ rằng để sau này áp dụng đúng!  Có thắc mắc khi đọc bài, các mẹ hỏi ngay các admin của Hội để được hướng dẫn và hỗ trợ nhé!

– Bé nhà em được 28 ngày, em sinh mổ nên 2 hôm đầu mẹ em cho bé bú bình sữa công thức, đến ngày thứ 3 bác sĩ mới đến nặn ngực em rất đau thì thấy có ra sữa giọt vàng vàng, sau đó em gắng dậy cho con bú nhưng có vẻ chật vật, cả hai mẹ con. Về sau em cũng thấy không nhiều sữa, sữa công thức thì đã mua sẵn một hộp nên 1 ngày cứ cách một lần bú mẹ, bà nội lại cho bé 1 lần sữa công thức. Lần nào uống sữa công thức xong bé cũng có vẻ ngủ ngoan hơn. Em đã rất mệt mỏi vì luôn mặc cảm là mình ít sữa, rồi mẹ chồng cứ kể chuyện ngày xưa bà nhiều sữa thế nào,  bên này bú bên kia chảy, phải lấy cốc hứng rồi tiếc quá mà vẫn phải đem đi đổ bớt ra sao vì thời xưa chưa có tủ lạnh, khiến em đã ức chế lại càng ức chế hơn.

1 tuần nay em bắt đầu dùng máy hút sữa nhưng mỗi lần chỉ vắt mỗi bên được 20 đến 50ml, giỏi lắm sáng ngủ dậy thì được đến 70ml. Mỗi ngày em vắt bằng máy 3 lần. Chuyên gia cho em hỏi: 1/ Em nghe nói cách kích sữa, cụ thể em nên làm như thế nào? 2/ Số lần dùng máy hút sữa của em mỗi ngày là 3 lần đã đủ chưa, liệu sữa có về không? 3/ Em sợ tăng cân quá nên ngại ăn móng giò, giờ chỉ ăn cháo thịt nạc hoặc cơm với thịt nạc, rau ngót hay thịt kho, tôm, thịt bò thôi, em có cần cải thiện chế độ ăn? (Mai Hoàng, Thanh Trì, Hà Nội)

Chuyên gia Betibuti: Chị trả lời lần lượt 3 ý câu hỏi của em:

1/ Phương pháp massage kích sữa chị đã trả lời một bạn ở câu hỏi đầu tiên, em đọc lại để nắm được toàn bộ nhé.

2/ Cách kích sữa bằng máy hút sữa: Chị giới thiệu 3 cách phù hợp với tình hình của em:

Cách 1: Dùng máy hút sữa đồng thời lúc con đang bú, như hình sau:

Vừa cho con bú vừa hút sữa - một cách kích thích sữa hiệu quả bằng máy hút sữa.

Vừa cho con bú vừa hút sữa – một cách kích thích sữa hiệu quả bằng máy hút sữa.

Cách này hiệu quả nhất trong 6 tuần đầu, khi sữa mẹ về cả 2 bên lúc được kích thích bởi hormone. Quan niệm sai lầm trong cộng đồng là nếu bơm bên vú kia trong khi bé bú thì sẽ thiếu sữa cho bé bú bên này là không đúng. Tuyến sữa của hai bầu vú không có ống thông nhau. Mà sự thật là cơ thể mẹ sẽ hiểu nhu cầu nuôi sinh đôi, nên sẽ càng tạo sữa dồi dào.

Cách 2- Dùng máy hút sữa ngay sau khi bé bú xong 10′ mỗi bên, đối với khoảng cách các cữ không ổn định hoặc rất gần nhau (dưới 2 giờ). Cách này giúp làm trống tuyến sữa hoàn toàn giúp việc tạo và tiết sữa cho cữ sau nhanh hơn, dồi dào hơn. Cũng nhờ đó có thêm một lượng sữa dự trữ tích luỹ dần.

Quan niệm sai lầm trong cộng đồng là để “dành sữa cho cử sau”, thậm chí có mẹ còn tin rằng cho con bú dặm 1 cử sữa ct, sữa mẹ để dành lâu hơn sẽ nhiều hơn.

Cách 3- Dùng máy hút sữa cách cữ bú trước 1g, 20′ mỗi bên, đối với khoảng cách cữ bú trên 3g và ổn định. Cách này cũng giúp tăng lượng sữa cho những bé ngủ nhiều, khi lớn dần bé thức nhiều hơn, nhu cầu bú nhiều hơn, mẹ sẽ vẫn đủ sữa cho bé.

Ở đây chị gợi ý cho em 3 cách kích sữa bằng máy hút sữa tốt nhất cho các bà mẹ còn chưa đi làm, sau này em đi làm thì sẽ có một số thay đổi, em đọc đầy đủ bài viết của chị tại đây để nắm được chi tiết nhé.

3/ Em chẳng cần ăn một thức ăn gì đặc biệt để có nhiều sữa. Móng giò cũng không cần. Nhiều bà mẹ đc khuyên ăn móng giò ngay sau khi sinh, có người 2, 3, 4 ngày thấy sữa về tràn trề, thế là móng giò đc “ghi công”, càng ngày càng nhiều ng khuyên, càng ngày càng nhiều ng ăn, càng ngày càng tôn sùng móng giò!

Thật ra, cơ chế sản xuất sữa mẹ chuyển sang giai đoạn tạo sữa thư II, sau khi bong hết nhau, hocmon progesterone xuống thấp nhất và prolactin lên cao nhất, do đó sữa mẹ tràn về. Móng giò chẳng đóng góp công sức gì trong việc tạo sữa đó cả! Mà ngược lại nên tránh xa nó, vì nó làm sữa quá béo và mẹ rất dễ bị tắc tia sữa!

Câu hỏi của em liên quan đế nhiều kiến thức căn bản về cơ chế tạo tiết sữa mẹ và nuôi con bằng sữa mẹ. Chị nghĩ trả lời chỉ 3 câu hỏi của em một cách ngắn gọn là được hay không, sẽ không cung cấp đủ thông tin để  cho có em kiến thức đúng, xoá bỏ cách hiểu sai và thực hành sai phổ biến trong cộng đồng.

Chị giới thiệu em đọc toàn bộ tài liệu của betibuti nhe, đặc biệt chú ý các bài:

– Đừng chờ sữa mẹ về

-Phương pháp nuôi dưỡng sinh học (da tiếp da)

– Phương pháp massage 3′ betibuti

– Chất lượng sữa mẹ và dinh dưỡng bà mẹ cho con bú

– Phương pháp kích sữa dùng máy hút sữa.

– Móng giò không lợi sữa.

Chắc chắn mẹ bé sẽ làm được tốt, vì từ các câu hỏi chi tiết như thế này cũng cho thấy sự quan tâm học hỏi và nghiên cứu sữa mẹ đã gần đạt đến mục đích, xoá bỏ các ngộ nhận về sữa mẹ trong cộng đồng.

– Bé nhà em hiện được 2,5 tháng. Em bị viêm tai, không thể không uống kháng sinh, bác sĩ đã kê loại dùng được cho con bú, tuy nhiên em vẫn thấy không an tâm. Em uống được hôm nay là ngày thứ hai, mỗi ngày khoảng 6 tiếng sau khi uống thuốc em mới cho con bú, còn trước đó nếu căng sữa thì em vắt và đổ đi, em làm như thế có nên không? Em có cảm giác rõ rệt là sữa ít hẳn đi trong 2 ngày uống thuốc, em nên làm gì trong thời gian uống thuốc để duy trì và tăng cường lượng sữa, chứ không sợ rằng như thế này thì sau 5 ngày kháng sinh chắc em sẽ tịt luôn sữa mất??? (Thanh Hai – DHXD – HN)

Chuyên gia Betibuti: Trong bài viết Mẹ bệnh và dùng thuốc trong thời gian cho con bú, chị đã nêu nguồn tham chiếu LACTMED giúp các mẹ tra cứu từng loại thuốc cụ thể, để an tâm thuốc an toàn đối với: bà mẹ, đối với bé bú mẹ và lượng sữa mẹ.

Mỗi loại thuốc đều có thông tin, ứng dụng, liều dùng, tháng tuổi của bé bú mẹ và tác dụng khác nhau, do đó không thể nói chung chung là kháng sinh mà có thể trả lời được.

Trong trường hợp mẹ không dùng được nguồn LACTMED bằng tiếng Anh, các mẹ có thể chia sẻ ảnh chụp toa thuốc vào Hội Sữa Mẹ Betibuti, các Ad sẽ tra cứu giúp cho, trước khi uống.

Chúc mẹ mau khỏi bệnh và nhanh chóng phục hồi lượng sữa cho con nhé!

– Bé nhà em hiện được 4 tháng. Em ít sữa, kích sữa không thành công. Em kích 1 ngày đc khoảng 4, 5 lần bằng máy hút tay, vì em còn bận trông bé. Trước khi kích 20 phút, em uống 1 cốc nước nóng hoặc 1 cốc sữa nóng, rồi massage ngực theo 3 bước trong 3 phút, hút trong 30 phút (7-5-3). Em ăn 3 bữa chính, 2 bữa phụ, ăn đầy đủ thịt, rau, ăn cả móng giò hầm, mỗi ngày uống 2 lít nước. Vậy mà sữa vẫn ít, em có làm sai ở đoạn nào không?

Cạnh nhà em có 1 bạn mới sinh, sữa rất nhiều. Em muốn xin cho con ăn để con không phải ăn sữa ngoài nhiều. Nhưng ông bà nội cháu sợ nhỡ bạn đó bị bệnh gì nên không muốn. Bạn ấy không có bệnh gì rõ ràng mà chỉ là ông bà phòng xa thế thôi. Chẳng lẽ trước khi xin sữa em phải bắt bạn ấy trình giấy sức khỏe??? Em rất muốn giải thích cho ông bà hiểu mà khó nói quá. (độc giả yêu cầu ẩn danh)

Chuyên gia Betibuti: Em đã làm đúng từ uống nước hoặc sữa ấm trước khi vắt sữa đến việc áp dụng phương pháp massage 3 phút, và ăn uống phong phú.

Em đọc bài viết mới của Betibuti về cách duy trì lượng sữa mẹ để hiểu mô tả về “con số kỳ diệu” và tìm ra con số này cho riêng mình, để có số lượng cữ bú hút trong ngày bằng hoặc lớn hơn “con số kỳ diệu” để tăng lượng sữa.

Không có cách gì kích sữa tốt hơn là cho con bú trực tiếp theo nhu cầu và tinh thần tự tin thoải mái.

Em đọc các bài sau của Betibuti để hiểu rõ và điều chỉnh phù hợp nhé:

– Chất lượng sữa mẹ và dinh dưỡng bà mẹ cho con bú

– Phương pháp kích sữa bằng máy hút sữa

– Móng giò không lợi sữa

Chúc e kiên trì và tự tin, sữa mẹ được sản xuất theo nhu cầu bú của con, do đó sữa mẹ sẽ đủ nếu  mẹ có niềm tin vào bản thân!

– Bé nhà em được 7 ngày tuổi, sinh xong mẹ không có sữa ngay nên bé phải uống sữa công thức. Sau khi mẹ con em ra viện thì em có sữa nhưng không đủ cho con ti, em đã dùng máy hút để kích sữa và đã thành công nhưng hôm nay bé không chịu ti mẹ. Hút sữa ra bình thì bé ti chứ nhất định không ti mẹ trực tiếp. Em lo quá, sợ bé bỏ ti mẹ. Nhờ anh chị tư vấn giúp em làm thế nào để bé ti mẹ trở lại? Em cảm ơn (Tran Son, trans610@gmail.com)

Chuyên gia Betibuti: Việc cho bé ngậm ti bình/ ti giả ngay sau khi sanh, hoặc bú xen kẽ giữa mẹ và bình, hoặc tập bé ti bình trong 6 tuần đầu, sẽ ảnh hưởng đến việc thành lập “khớp ngậm đúng” khi trẻ ti mẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và khả năng thành công của việc bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Để tập cho bé ti mẹ trở lại, các mẹ phải kiên nhẫn và tự tin. Tuyệt đối không được căng thẳng cố ép bé ti mẹ trở lại, khiến bé có ác cảm với việc bú mẹ.

Betibuti đề nghị cách khắc phục như sau:

– Ngưng không cho bé ti bình, và cho bé ăn sữa bằng thìa (muỗng)/cốc (ly) nhỏ, trong 2, 3 cữ… tuyệt đối không ngậm ti giả trong quá trình này.

– Bé sẽ đủ no, nhưng bé sẽ có nhu cầu được mút ti, và sẽ đến thời điểm bé sẳn sàng ti mẹ trở lại để được mút ti mẹ.

– Để biết khi nào bé sẵn sàng trở lại, mẹ nằm cạnh bé và đưa ti thử cho bé, nếu bé sẵn sàng bé sẽ chủ động tìm ti mẹ để mút, nếu bé chưa sẵn sàng thì mẹ lại thử lại ở những cữ sau.

Kết luận: Và quan trọng nhất là mẹ phải tập cho bé khớp ngậm đúng khi bú mẹ (Click vào đây để đọc hướng dẫn cụ thể về cách khớp ngậm đúng).

Chúc mẹ và con thành công!

– Em có nên cho bé bú nằm? Em thấy như thế rất đỡ mệt nhưng sợ bé bị sặc nguy hiểm, và hơn nữa sợ đè trúng bé gây ngạt? Có nhiều vụ mẹ ngủ quên đè làm bé ngạt thở nên em lo lo. Nhưng bú ngồi đau lưng ghê gớm, đau tới mức nhiều lúc cảm thấy không thể chịu thêm một giây nào nữa… (men_nguyen@gmail.com)

Chuyên gia Betibuti: Bé bú nằm hoàn toàn tốt cho cả mẹ và bé. Ngay cả tư thế nằm cũng chỉ cần chú trọng tư thế bú đúng (bé nằm nghiêng bụng ngang bụng mẹ, tai-vai-hông thẳng hàng, cằm chạm dưới vú mẹ và cổ ngửa tối đa, lưỡi thè dài ra khi ngậm vú, như thế thì bé không sợ bị ngạt và không sợ bị sặc.

Một đặc tính quan trọng của sữa mẹ là chống viêm nhiễm, do đó kể cả trường hợp khi bú mẹ có bị sặc một ít vào các khoang tai mũi họng không hề có rủi ro gây viêm nhiễm như bú sữa công thức em nhé.

Bú sữa công thức thì mới tuyệt đối không được nằm và nguy cơ viêm tai và hô hấp trên do sặc sữa cao.

Cho bé bú nằm rất tốt, sặc sữa mẹ cũng không đáng sợ như sặc sữa công thức.

Cho bé bú nằm rất tốt, sặc sữa mẹ cũng không đáng sợ như sặc sữa công thức.

– Trong những ngày mẹ đang có kinh có phải nên tạm ngừng cho bé bú bằng cách vắt bỏ sữa? Mẹ chồng em nói những ngày này sữa rất tanh và nhạt, ít chất, điều đó có đúng? những ngày có kinh em cũng cảm thấy lượng sữa giảm rõ rệt, đâu là nguyên nhân và cách cải thiện là gì hả chị? Chị tư vấn giúp em nhé. (Hà Trần-Hà Nam)

Chất lượng sữa không thay đổi khi mẹ có kinh, nên vẫn cho con bú bình thường. Lượng máu luân chuyển để tạo sữa có thể giảm do đó, lượng sữa được tạo ra có thể giảm. Mẹ chú ý ăn uống ngon miệng, uống nhiều nước, cho con bú tăng cữ, lượng sữa sẽ tăng lên trở lại.

Thưa chị Phương Hồng, bé nhà em được 4 tháng mà chỉ nặng 5,5kg. Bé gái và sinh ở tuần thứ 36, trọng lượng khi sinh của bé là 2,8 kg. Tháng thứ nhất tăng được 1,2 k, 3 tháng sau mỗi tháng tăng được 0,5 kg. Bé bú mẹ hoàn toàn nhưng lại bú rất ít ngày bú khoảng 6- 7 lần mỗi lần chỉ tầm 5 phút. Em có cho bé ăn bổ sung sữa ngoài nhưng con không chịu ăn. Em sợ bé có nguy cơ suy dinh dưỡng vì thế e định cho con ăn dặm ngay từ bây giờ, không biết thế có được không? Và liệu cho ăn bột sớm như thế thì có cải thiện được cân nặng của con hay không? Em cám ơn. (Nguyễn Bích Thủy – Q.2 – TP.HCM)

Chuyên gia Betibuti: Em đọc bài Các chuẩn phát triển của WHO để hiểu cách ghi nhận và vẽ biểu đồ phát triển cho bé, quan trọng của phát triển không phải là cân nặng mà các chuẩn ghi nhận sự phát triển toàn diện của bé. Câu hỏi của em không thấy nêu các phương diện phát triển khác, có nghĩa em chưa để ý hoặc chưa biết các điểm đó: phát triển vận động, phát triển giao tiếp/ nhận thức, phát triển chiều cao…
Nêu chỉ nói về cân nặng thì bé nhà em đang phát triển rất bình thường. Nguyên tắc chung là 6 tháng = x 2 cân nặng sơ sinh và 12 tháng = x 3 cân năng sơ sinh là tốt.  Tuy nhiên, do sữa công thức gây tăng cân quá nhiều, nên các mẹ nuôi con sữa mẹ bình thường cứ lấy trẻ nuôi sữa công thức ra so sánh, và tưởng con mình không phát triển tốt, sợ con suy dinh dưỡng, chỉ vì những ngộ nhận và những chuẩn sai theo số đông trẻ trong cộng đồng thôi.
Con em không chịu uống sữa công thức là bé rất nhạy và thông minh, vì tại sao bỏ “cái thật” để theo “đồ giả” chỉ vì muốn tăng cân, giữa nuôi não với nuôi thịt mỡ cái nào quan trọng hơn?!
WHO và UNICEF khuyên trẻ đủ 180 ngày mới bắt đầu tập ăn dặm là có lý do sức khoẻ cho bé, không có khuyến cáo y tế nào bảo rằng nếu muốn tăng cân tốt hơn thì bú sữa công thức hoặc cho ăn dặm sớm cả.  Quan niệm này cần được xoá bỏ càng sớm càng tốt cho thế hệ sau.
Để biết con đang phát triển tốt, em đọc bài của Hội Sữa Mẹ về các chuẩn phát triển theo WHO, bài Cách cơ thể bé sử dụng năng lượng (để nhận thức, vận động và tăng cân) như thế nào, bài các dấu hiệu bé bú đủ… và cố gắng thay đổi nhận thức về cách đánh giá chuẩn phát triển của bé toàn diện.

– Em hiện đã đi làm sau thời gian nghỉ sinh, và vắt sữa trữ đông tủ lạnh cho con uống hàng ngày. Vậy nhờ anh, chị giải đáp giúp em các thắc mắc sau với ạ:

– Cách trữ đông sữa mà vẫn giữ được chất.

– Nếu bỏ sữa ra ngoài để rã đông, nhưng con không dùng hết và lại bỏ vào trữ đông tiếp thì có dùng được không ạ?

– Tủ lạnh bị mất điện, sữa bị tan đá thì có nên để đông đá và dùng tiếp không ạ?

– Thời gian bảo quản sữa trong ngăn đá tủ lạnh là bao lâu ạ?

Rất mong nhận được phản hồi của anh, chị. Em cảm ơn nhiều. (Linh Pham)

Chuyên gia Betibuti: Chào bạn,

– Sữa trữ đông vẫn giữ được đầy đủ các dưỡng chất và kháng thể cần thiết cho bé, cách trữ và thời gian trữ đông tuy thuộc vào loại tủ lạnh. Tủ nhỏ 1 cửa 1 tháng, tủ lạnh có cửa riêng cho ngăn đá là 3 tháng, tủ đông chuyên dụng có thể trữ đến 12 tháng. Tuyệt đối không trữ sữa ở cửa tủ.

– Sữa trữ đông tốt nhất là ngay sau khi vắt, nhưng cũng có thể dồn sữa nhiều cữ trong 24 giờ vào 1 túi và trữ đông chung.

– Sữa trữ ngăn mát 48g rồi không dùng vẫn có thể trữ đông.

– Trữ sữa chung với thức ăn khác thì cần để sữa riêng trong 1 hộp hay 1 ngăn, không tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm khác. Rửa sạch bằng xà phòng và lau khô bên ngoài túi trữ sữa trước khi để rã đông.

– Sữa đã rã đông (hay cúp điện bị tan chảy) phải dùng hết trong 24 giờ, không được trữ lại.

– Sữa bé đã bú rồi còn thừa, phải dùng hết trong 1 giờ, không được hâm lại, hay trữ lạnh hay trữ đông.

Bạn đọc thêm bài Phương pháp bảo quản sữa mẹ do chị viết để nắm được đầy đủ hơn nhé!

 – Bé nhà em mới gần được 1 tháng tuổi nhưng vừa bú vừa gằn khóc kiểu khó chịu, khi ngủ cũng không ngon giấc. Bé vẫn ti bình thường nhưng gần đây thì lại không được, lúc bú cũng cựa quậy rồi gằn khóc. Ngủ cũng hay giật mình không yên giấc mặc dù em có để gối nhẹ chặn người cho con và em cũng giữ bé suốt. Bé nhà em có bị sao không ạ và làm thế nào để con không gằn mỗi khi bú? (Minh Quế, Pháo Đài Láng, HN)

Chuyên gia Betibuti: Bé bú gằn và cựa quậy hay giật người ra để khóc là do tư thế bú sai và khớp ngậm sai, nên khi sữa xuống bé không thể vừa nuốt vừa thở do đó gây ngạt, bé đập chân tay, vùng vằng, giật ti ra để mở miệng thở (khóc).

Tư thế bú đúng là tai-vai-hông thẳng hàng và cổ ngửa tối đa. Khớp ngậm đúng là khi:

1- Cằm bé cắm sâu vào bầu vú mẹ
2- Đầu bé ngửa ra (góc giữa cằm cổ khoảng 140o)
3- Lưỡi của bé đưa ra phía trước, đè lên nướu dưới
4- Miệng bé mở rộng (như cá đớp mồi), không chỉ ngậm đầu ti và ngậm sâu vào quầng vú.
5- Bé ngậm nhiều quầng vú dưới hơn quầng vú trên. (Đỉnh đầu ti sẽ chạm sát vòm trên trong họng bé.)
6- Mẹ k có cảm giác đau hay khó chịu khi bé nút.
7- Khớp bám rất chắc cho dù lúc bé ngưng nút.
8- Bé nút nhanh ngay lúc đầu (massage), sau đó khi có sữa bé nút, nuốt, thở, thỉnh thoảng nghỉ vài phút rồi lại nút tiếp.

Hình mô tả bé khớp ngậm đúng.

Hình mô tả bé khớp ngậm đúng.

Tư thế của mẹ để bé có thể KHỚP NGẬM ĐÚNG:

– Mẹ chọn tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái, người bé áp sát vào người mẹ (tiếp da càng tốt).

– Đưa đỉnh ti chạm môi trên của bé, nếu bé sẳn sàng để bú, bé sẽ há miệng rộng (chú ý xem lưỡi bé lè dài ra phía trước).

– Một bàn tay mẹ đỡ cổ bé, để đầu bé ngửa ra thoải mái, cằm bé tựa bầu vú mẹ (phần dưới).

– Bàn tay kia tạo thành chữ C, ngón tay cái ấn nhẹ phía trên để hướng đỉnh ti lên phía môi trên của bé.

– Đặt môi dưới của bé vào mép dưới của quầng vú (khoảng 1.5cm từ chân ti) cho bé bắt đầu ngậm từ môi dưới.

– Đỉnh đầu ti lọt qua môi trên vào miệng bé, bé sẽ tự động ngậm được sâu và chắc.

– Nếu bé không mở miệng lớn và không lè lưỡi dài ra, mẹ để đầu ti chạm đầu mũi bé, bé sẽ cố mở miệng rộng, mẹ dùng đầu ngón tay trêu đầu lưỡi bé, để bé thè lưỡi dài ra, rồi sau đó mẹ thực hiện trong vài giây các bước mô tả trên. Trong thời gian tập cho bé há miêng rộng và lè lưỡi dài ra để đón ti mẹ, mẹ không cho bé ngậm ti giả hay ti bình nhé.

– Bé nhà em được 20 ngày. Lúc mới sinh em chưa có sữa nên có để bé bú bình bằng sữa ngoài nhưng vẫn cố tập cho bé ti mẹ nhưng bé cứ đẩy ra. Núm vú em hơi nhỏ và ngắn. Đến hôm nay em hút sữa cho con thì núm vú cũng bắt đầu kéo ra được hơn một chút. Lúc con đói có tìm ti mẹ nhưng khi e nhét ti vào thì con đẩy ra khóc rất dữ. Em vẫn tập cho con ti mẹ nhưng hình như con không chịu và không thích. Có phải bé ghét ti mẹ phải không ạ? Em phải làm sao để con ti mẹ bình thường mà không thù ghét nó ạ? (Vân, Thanh Trì, Hà Nội)

Chuyên gia Betibuti: Bé bú bình quá sớm nên quên ti mẹ thích ti bình, chứ 99.9% bầu vú mẹ hình dáng dù như thế nào thì bé cũng bú mẹ được, kể cả đầu ti thụt, chứ đừng nói là “ngắn”. “Ngắn” là so với cái chuẩn nào?

Đầu ti chỉ là nơi để sữa thoát ra, quầng vú mới là nơi bé ngậm bú, 2.5cm từ chân ti. Chẳng qua, trường hợp của bạn là bé bú bình ngậm cạn quen rồi, nên không quen ti mẹ thôi.

Bạn nên kiên trì tập cho con bú mẹ trở lại. Da tiếp da chính là cách để con thích bú mẹ. Bé cũng có thể trong khi da tiếp da, tự tìm và ngậm ti mẹ theo bản năng. Da tiếp da bạn đã nắm được nguyên tắc? Đó chính là để da bạn tiếp xúc với da bé thật sự, hoàn toàn trần trụi, như trong ảnh này:

Bé ở trong bụng mẹ (ảnh trái) và bé được mẹ cho da tiếp da (ảnh phải). Ảnh: Facebook Betibuti.

Bé ở trong bụng mẹ (ảnh trái) và bé được mẹ cho da tiếp da (ảnh phải). Ảnh: Facebook Betibuti.

Bạn nên cho con da tiếp da ngay sau khi sinh. Bây giờ con bạn đã gần 1 tháng nhưng vẫn chưa muộn, bạn hãy tích cực làm theo phương pháp này nhé, giờ đang là mùa hè càng thuận tiện nhưng giả sử nếu là mùa đông thì bạn cũng đừng ngại cho con da-tiếp-da, quan niệm sợ con lạnh phải quấn con trong tã là rất sai lầm nhé, quấn trong tã không ấm hơn bạn cho con da-tiếp-da như trong hình trên đâu. Da tiếp da và cho con bú trực tiếp, hãy thử đi, chị tin rằng con bạn sẽ thích ngay mà!

Ngoài ra bỏ bình sữa đi, xúc thìa để con quên đi cách ngậm mút kiểu sai của bình nhựa.

 

 

Giới thiệu giải pháp cho các mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹCho-thue-may-hut-sua-o-da-nang

Liên hệ : Shop máy hút sữa tại Đà Nẵng:   Hotline: 0903575356 – Facebook : Click