Sự tiết sữa được điều khiển và duy trì bởi 2 nội tiêt tố chính: Prolactin (giúp các tế bào tiết sữa) ; Oxytocin (làm các tế bào cơ co thắt). Khi trẻ mút vú , xung động cảm giác thần kinh từ vú lên não , kích thích thùy trước tuyến yên tiết ra prolactine , chất này vào máu đến vú làm các tế bào tiết ra sữa.
Nồng độ prolactin trong máu đạt tối đa vào khoảng 30 phút sau bữa bú , giúp tạo sữa cho bữa ăn sau .Cũng từ động tác ngậm mút vú của trẻ , một xung động thần kinh khác tác động lên thùy sau tuyến yên kích thích tiết ra oxytocin. Oxytocin vào máu đến vú làm các tế bào cơ xung quanh nang sữa co thắt , đẩy sữa theo các ống dẫn sữa đến xoang sữa. Đôi khi còn làm sữa tự chảy ra ngoài. Sự tiết sữa được duy trì bằng hiện tượng hết sữa trong các tiểu thùy mỗi khi cho trẻ bú. Các tiểu thùy chỉ sản xuất ra sữa khi sữa trong các tiểu thùy được lấy hết đi. Vì vậy khi trẻ không bú được hoặc bú không hết thì sữa mẹ cần phải vắt ra để sự sản xuất sữa có thể được tiếp tục.
Theo khuyến cáo TCYTTG (WHO). Bắt đầu cho bú mẹ sớm , trong vòng 30 phút đến 1 giờ sau sinh. Cho con bú có thể chậm hơn nếu như tình trạng sức khỏe của mẹ hay của bé chưa thật tốt (người mẹ phải mổ lấy thai , trẻ đang được hồi sức tích cực,…) cho bú sớm giúp trẻ sử dụng được sữa non là thứ sữa rất phù hợp với sinh lý của trẻ. Ngoài ra tác động bú đã kích thích tuyến vú chế tiết sữa nhanh và nhiều. Cho bú sớm giúp mẹ tiếp xúc với con , hết sức thuận lợi về mặt tâm lý. Cho bú sớm còn giúp tử cung co tốt, hạn chế băng huyết.
Thành phần sữa mẹ cũng không giống nhau từ đâu đến cuối. Trong vài ngày đầu sau sinh , vú mẹ tiết ra sữa non , có màu vàng sậm hơn và đặc sánh hơn. Sữa non có nhiều chất bảo vệ cơ thể giúp bé chống nhưng nhiễm khuẩn và dị ứng , nó cũng có tác dụng xổ nhẹ, hỗ trợ cho việc tống phân su ra khỏi ruột. Điều này sẽ giúp hạn chế hiện tượng vàng da sinh lý sau sinh. Các yếu tố phát triển trong sữa non giúp bộ máy tiêu hóa của bé trưởng thành , sữa non còn có nhiều vitamin A giúp bé phòng chống nhiễm khuẩn.
Chất lượng của sữa non giảm nhanh trong vòng 24 giờ đầu , vì vậy cần khuyến khích các bà mẹ cho bú sớm ngay từ những giờ đầu sau sinh để trẻ tận hưởng được nguồn sữa non.
Trong tuần thứ 2, lượng sữa mẹ tăng và có sự thay đổi trong thành phần. Sữa mẹ có vẻ loãng hơn sữa bò, làm cho các bà mẹ nghĩ rằng sữa của họ loãng quá. Thực ra lượng nước nhiều của sữa mẹ là bình thường và tốt cho trẻ.
Trong 1 cữ bú của trẻ, thành phần của sữa thay đổi như sau:
– Sữa đầu: là sữa ở đầu cử bú của trẻ , có màu trắng trong và lỏng. Bé bú sữa đầu sẽ nhận được nhiều chất dinh dưỡng như: protein , lactose , vitamin, khoáng chất và nước.
– Sữa cuối: là sữa ở cuối cữ bú, có màu trắng đục vì chứa nhiều chất béo.
Mẹ nên thường xuyên cho con bú mỗi khi trẻ đòi bú , lúc đầu trẻ có thể bú thất thường, sau khoảng 2 tuần lễ cữ bú trẻ sẽ ổn định hơn.
Nếu mẹ có nhiều sữa, nên cho bú hết một vú bên này (để lấy được sữa cuối có nhiều chất béo) rồi hãy cho bú vú bên kia nếu trẻ còn muốn bú. Không nên cho bú nửa vú bên này rồi một nửa vú bên kia, vì bé sẽ không nhận được sữa cuối và chậm tăng cân. Bà mẹ cũng có thể vắt bớt sữa đầu ra ly, cho bú hết sữa cuối trước rồi uống phần sữa trong ly sau nếu bé còn uống thêm được.
Nếu trẻ đòi bú thường xuyên (chưa đến 1 giờ lại đòi bú): có thể mẹ cho bú không đúng cách nên trẻ không nhận đủ sữa , do vậy cần cho bé bú đúng tư thế nếu trẻ không đòi bú thường xuyên cần cho bú nhiều hơn mà không cần đợi trẻ đòi bú.
Với những trẻ bú chậm , nếu cho ngừng bú trước khi trẻ muốn ngừng thì trẻ không nhận được đủ sữa điều này rất không có lợi vì sữa cuối cữ bú rất giàu chất béo , giúp cho trẻ mau lớn.
Hãy cho bú bất cứ khi nào trẻ muốn và cho bú bao lâu tùy thích , nhiều trẻ chỉ bú trong vòng 5 – 10 phút , nhưng có một số trẻ bú lâu tới 30 phút cũng không sao , không nên quy định số bữa bú và khoảng cách giữa 2 bữa bú cho mọi trẻ vì mỗi trẻ có nhu cầu bú khác nhau. Việc mút vú thường xuyên sẽ kích thích sản xuất prolactin giúp xuống sữa sớm hơn. Ngoài ra cho bú theo nhu cầu sẽ tránh được hiện tượng ứ sữa , vì vậy ngay sau khi lọt lòng mẹ, trẻ phải được cho bú bất cứ lúc nào trẻ muốn.Việc cho trẻ bú đêm cũng tạo nhiều sữa vì trẻ mút nhiều. Bú đêm cũng rất cần cho trẻ khi mẹ đi làm.
Một số thuật ngữ trong lĩnh vực nuôi trẻ:
– Bú mẹ hoàn toàn: chỉ cho bú sữa mẹ không cho thêm bất cứ thức ăn và thức uống nào khác ngay cả nước.
– Bú mẹ là chủ yếu: nuôi trẻ bằng sữa mẹ nhưng cũng cho thêm 1 ít nước uống hoặc thức uống pha bằng nước.
– Bú mẹ đầy đủ: Nuôi con bằng sữa mẹ kể cả bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ là chủ yếu .
– Nuôi bằng chai: cho trẻ bú từ chai bất kể sữa gì trong chai , kể cả sữa mẹ vắt vào chai.
– Nuôi nhân tạo: nuôi trẻ bằng các loại thức ăn khác(hoàn toàn không có sữa mẹ).
– Bú mẹ một phần: cho trẻ bú mẹ xen kẽ với nuôi nhân tạo kể cả sữa hộp , sữa bột , ngũ cốc hoặc các thức ăn khác.