nguồn: Chị Nhất Nguyễn – BV quốc tế Vũ Anh.
Tắc sữa loại 2 đây nghe các mẹ, nếu mẹ nào quan tâm tắc sữa loại 1 thì tìm lại ở bài trước nhé!
Tắc sữa loại 2 được phân loại dựa vào thời gian bị tắc, được tính từ lúc sữa về đầy đủ sau sinh cho đến khi cai sữa cho bé. Nếu mẹ sữa nào bị tắc tia trong giai đoạn này thì là tắc loại 2 chứ không còn là tắc sữa sinh lý nữa nghe các mẹ!
Tắc sữa loại 2 này mình phân ra 2 nhánh nhỏ là tắc tia không nhiễm khuẫn và tắc tia nhiễm khuẩn
Nay các mẹ cùng mình tìm hiểu về tắc tia không nhiễm khuẩn nhé!
Tắc tia không bị nhiễm khuẩn là loại tắc vừa mới xuất hiện, diễn tiến nhanh , tạo thành mảng cứng do sữa bị ứ đọng không thoát ra ngoài được. Loại này thường ít gây nguy hiểm vì tỉ lệ thông tuyến thành công cao hơn.
Tùy vào số tuyến bị tắc và vùng sữa mà tuyến tắc chi phối sẽ hình thành những mảng to nhỏ khác nhau.
Khi tắc tuyến, sữa bị ứ đọng lâu sẽ phân giải, tách lớp cộng thêm việc cơ thể tiết ra một số chất viêm làm thay đổi tính chất và mùi vị sữa, các bé nhạy cảm sẽ không chịu ti mẹ trong thời gian này dù trước đó bé rất thích ti mẹ.
Các nguyên nhân gây tắc sữa thường là:
– bé ngậm không đúng khớp làm tổn thương đầu ti mẹ, ngậm không đúng khớp nên không kích thích được cơn phóng sữa đủ mạnh, đủ lâu, tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến tắc sữa.
– do mẹ mặc áo ngực quá chật, áo ngực có gọng, phần ngực bị chèn ép dễ bị tắc.
– chấn thương mạnh tác động bên ngoài ví dụ như bé quẫy đạp trúng ngực mẹ.
– do nặn bóp, massage không đúng cách.
– do dùng máy hút sữa không đúng cách, sử dụng lực hút quá mạnh làm tổn thương đầu ti.
– vì nhiều lý do khiến bé bỏ cữ bú, mẹ bỏ cữ vắt.
– mẹ chủ động giãn cứ bú, cữ vắt chưa phù hợp làm cơ thể chưa quen với nhịp hút mới. Nhất là các mẹ mới đi làm lại sau thời gian nghỉ hậu sản.
– do sữa mẹ quá đặc, quá nhiều chất béo.
– do sữa mẹ dồi dào canxi, những hạt canxi nhỏ li ti có nguy cơ kết vón lại thành cục làm tắc đường ống dẫn sữa.
– do núm ti quá nhỏ, ống dẫn sữa nhỏ, đường ra của sữa hẹp cũng là một nguyên nhân hay gặp.
– do căng thẳng stress dẫn đến cơ thể sản sinh ra một số phản ứng bất lợi.
Tóm lại là có muôn ngàn lý do dẫn đến tắc sữa, mỗi trường hợp đều khác nhau. Có mẹ cơ địa dễ bị tắc ngủ không đủ giấc, nằm ngủ không đúng tư thế cũng đã xuất hiện mảng tắc căng cứng rồi.
Vấn đề là làm sao thông được tia tắc, hạn chế tạo thêm vị trí tắc mới mà không làm tổn thương thêm và không ảnh hưởng những tuyến lân cận.
Vùng căng cứng, đau tức mà các mẹ sờ thấy đó chỉ là nơi chứa sữa ứ đọng, do sữa không thoát ra được. Một số mẹ ngộ nhận nên hay nặn bóp và tác động mạnh vào vùng đang căng đau nhằm làm tan cục tắc là chưa đúng đâu nhé! Tác động mạnh vào các nang đang căng cứng dễ làm vỡ nang, xuất dịch tiết, lây lan và kết dính vào các tổ chức xung quanh.
Một câu hỏi đặt ra là nếu tia tắc chưa thông, sữa không thoát ra ngoài được mảng cứng ấy sẽ tan theo cách nào?
Đường ống dẫn sữa rất nhỏ và chạy ngoằn nghèo, các mẹ không nên dùng kim chích vào đầu ti, gây tổn thương ti, tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập.
Nếu lỡ không may bị tắc sữa các mẹ hãy bình tĩnh làm theo các bước sau:
– vệ sinh núm ti sạch sẽ, loại bỏ cặn sữa ở đầu ti, nhất là cặn sữa nằm ngay bề mặt của các tuyến.
– chườm ấm khoảng 20 phút, nhiệt ấm sẽ làm loãng sữa và làm giãn ống dẫn sữa, giúp sữa thoát ra dễ dàng hơn. Nhớ là chườm ẤM chứ không phải chườm NÓNG nghe các mẹ, tránh trường hợp bị bỏng do chườm không đúng cách.
– xác định vị trí tắc( còn gọi là nút tắc): là vùng tiếp giáp ngay giữa ranh giới giữa mảng cứng đau và không đau dọc theo hướng đi của sữa đến đầu ti.
– day ép quanh vùng nút tắc nhẹ nhàng trong mức đau có thể chịu đựng được.
– cho bé bú tích cực và vắt bằng tay, nếu vì lý do nào đó các mẹ không áp dụng được 2 phương pháp này hãy nhờ đến sự trợ giúp của máy hút sữa.
– uống đủ nước, ăn đủ chất. Nhiều mẹ tắc sữa thì nhị ăn nhịn uống vì nghĩ rằng ăn uống vào sẽ làm sữa tiết nhiều hơn, gây đau hơn là chưa đúng nghe các mẹ! Khi các nang đầy ứ sữa các tế bào tự động giảm lượng sữa tiết ra. Nhịn đói, nhịn khát thì hiệu quả giảm đau chưa thấy nhưng thiếu dinh dưỡng đã làm cho các mẹ hạ đường huyết và kiệt sức rồi đấy!
Sau khi thực hiện các bước trên mà chưa thông được tia thì các mẹ nên đặt lịch hẹn để đến bệnh viện làm dịch vụ thông tắc tia, không nên để lâu sẽ chuyển qua viêm và nặng hơn là áp xe đấy các mẹ.
Mình đã gửi đến các mẹ bài viết không thể đầy đủ và chi tiết hơn. Hy vọng các mẹ hiểu và tự thông tia được tại nhà.
P.s: Cảm ơn chị Nhất vì bài viết rất chi tiết và cụ thể. Chúc chị luôn có nhiều sức khỏe và hạnh phúc với công việc hết sức ý nghĩa mà chị làm cho các mẹ sữa.
———————————————————-
Xem thêm: >> Mua máy hút sữa ở Đà nẵng chỗ nào hàng tốt và rẻ?
Bán & cho thuê máy hút sữa Medela tại Đà Nẵng – eBaby shop 0903.57.53.56