Mẹ sau sinh, đặc biệt là sinh mổ thường hay gặp hiện tượng tắc sữa, ít sữa, hoặc sữa loãng. Những thông tin dưới đây hy vọng có thể giúp mẹ duy trì được nguồn dinh dưỡng quý báu cho bé yêu của mình.
Vì sao mẹ bị tắc sữa sau sinh?
Tắc sữa sau sinh do rất nhiều nguyên nhân xuất phát từ thói quen hàng ngày mà các mẹ không để ý.
– Do tâm lý của mẹ lo âu, phản xạ tiết sữa có thể không hoạt động và bé không bú được. Có rất nhiều sữa tích trong bầu vú, nhưng nó không chảy ra được. Đôi khi người mẹ cảm thấy rõ ràng sự chảy sữa, nhưng cũng có khi không có cảm giác gì dù sữa vẫn đang chảy.
– Mẹ không cho bé bú thường xuyên là nguyên nhân thường gặp dẫn đến việc mẹ ít sữa. Một số mẹ cho bé bú một đến hai lần mỗi ngày, lại có mẹ không cho bé bú đêm, một số mẹ bỏ bữa bú vì nghĩ rằng có thể “để dành” sữa.
– Mẹ do đau nên không ngồi dậy, cho bé bú không đúng cách làm bé không thoải mái dần bé chê ti mẹ khiến sữa không về hoặc mẹ sợ ngực xấu nên không cho bé bú thuờng xuyên và sớm sau sinh.
– Bé bú sữa bình hoặc sữa ngũ cốc sẽ ngủ lâu hơn sau bữa ăn. Nhiều mẹ nghĩ rằng, đây là dấu hiệu bé cần bú thêm sữa ngoài chứ không chỉ sữa mẹ. Thực ra sữa bò và ngũ cốc lâu tiêu hơn sữa mẹ làm bé không đói, sẽ bú mẹ ít hơn do đó lượng sữa mẹ sẽ giảm.
– Sữa thừa đọng lại ở bầu sữa nhiều sau mỗi cử bú nên làm tắc tuyến sữa, viêm vú, áp xe tuyến vú dần cũng dẫn đến việc mất sữa.
Mẹo kích thích để sữa xuống nhanh sau sinh
– Cho con bú ngay: Muốn sữa xuống nhanh, ngay sau khi sinh bạn nên cho bé bú ngay dù lúc này bầu vú đang rất mềm hoặc chưa có sữa, có sữa ít. Động tác mút ti của bé sẽ kích thích các tuyến sữa xuống nhanh hơn.
– Cho con bú đúng cách: Để miệng bé ngậm đầy núm vú và ôm giữ cơ thể bé sát với mẹ, sao cho mũi bé áp vào vú mẹ, mũi bé và cằm tạo thành một đường thẳng hướng xuống dưới. Lúc đầu, khi vú đang căng đầy, nhiều sữa đầu (lỏng, giống như sữa đã lấy hết kem) bé mút mạnh, nuốt rồi nghỉ, cứ theo nhịp đó, sau đó vú mẹ mềm hơn, bắt đầu có sữa sau (giàu chất béo, rất tốt để bé tăng cân và giúp não phát triển) và bé bú từ tốn hơn, vì vậy cần cho bé bú hết từng bên bầu vú để bảo đảm thành phần dinh dưỡng được cân đối.
– Thay đổi bầu vú khi chưa hết có thể ảnh hưởng đến sự tiết sữa. Khi mẹ ít sữa, cần cho bé bú cạn một bên rồi mới chuyển sang bầu vú kia. Và lần cho bú sau, bắt đầu với bầu vú đã có thời gian hồi phục lâu hơn.
– Nếu vú bị cương và ứ sữa, xoa nhẹ đầu vú. Bạn có thể dùng khăn ấm massage bầu vú để sữa tan ra. Sau đó, dùng chiếc lược chải đầu chải bầu vú theo hướng từ trên xuống để các tuyến sữa được thông.
Vì sao bé vẫn đói trong khi sữa mẹ chảy tràn?
Ở những mẹ đang cho con bú, vú chảy sữa ngoài lúc cho con bú là chuyện bình thường. Vú cũng có thể tự nhiên chảy sữa khi mẹ nghĩ đến con một cách âu yếm. Nguyên nhân của hiện tượng này được chi phối bởi: nồng độ prolactin trong cơ thể quá cao (thường do tuyến yên có khối u nên kích thích sản sinh prolactin tăng đột biến), chất oxytocin tăng hay do một số điều kiện sinh lý bất thường tác động cũng gây tiết sữa.
Ngoài ra, trong cơ thể phụ nữ còn có chất oxytocin cũng liên quan đến quá trình tiết sữa. Oxytocin có tác dụng làm co bóp các xoang sữa, đẩy sữa tràn đầy vào bên trong các ống dẫn sữa ra phía đầu vú. Chất oxytocin càng nhiều sẽ càng làm cho quá trình co bóp xảy ra liên tục và mạnh mẽ hơn. Đó chính là nguyên nhân làm sữa bị chảy ra ngoài một cách tự nhiên, khó kiềm chế được.
Mẹ cần có chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập đều đặn (đặc biệt là các bài tập cho cơ ngực) trước và cả trong quá trình mang thai để tăng cường sự dẻo dai cho các cơ thì mới có thể khắc phục một phần tình trạng chảy sữa này.